PHÒNG BỆNH THEO ĐÔNG Y
Mùa xuân với khí hậu nồm ẩm, thay đổi thất thường, là thời điểm dễ bùng phát nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân, Hội Đông y tỉnh đã triển khai các hướng dẫn cụ thể đến cán bộ, hội viên và lương y trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho cộng đồng.
Dịch sốt xuất huyết: Thời tiết mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó sốt xuất huyết dễ bùng phát. Hội Đông y tỉnh đã khuyến nghị các biện pháp chủ động như thường xuyên diệt bọ gậy, lăng quăng, khuyến khích người dân không để nước tù đọng và giảm thiểu các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Việc lật úp, thu gom các dụng cụ phế thải cũng là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn sự sinh sản của muỗi truyền bệnh.
Bệnh tay chân miệng: Khí hậu nồm ẩm kéo dài làm phong ôn và thấp nhiệt dễ tích tụ trong cơ thể, tạo điều kiện cho các bệnh ngoài da như tay chân miệng phát triển, nhất là ở trẻ em. Các biện pháp phòng bệnh gồm:
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh và phun thuốc diệt côn trùng.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi, đảm bảo không gian sống thoáng đãng.
- Tắm các loại nước lá như sài đất, chè xanh, kim ngân, bồ công anh để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị khi trẻ mới phát ban nhẹ. Trong trường hợp trẻ bị phát ban nặng kèm sốt cao, cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh tự ý điều trị tại nhà.
Bệnh đau mắt đỏ (xích nhãn, hỏa nhãn): Đây là bệnh phổ biến vào mùa nồm ẩm, do sự tích tụ của nhiệt và phong trong cơ thể. Biểu hiện thường gặp gồm ngứa, cộm, mắt đỏ, chảy nước mắt nhiều, kèm theo đau đầu và sợ ánh sáng. Phương pháp điều trị Đông y bao gồm:
- Thể nhẹ: Dùng phép khu phong, chỉ thống, thanh nhiệt. Các bài thuốc như “Tẩy Can Tán” kết hợp với châm cứu tại các huyệt hợp cốc, khúc trì, tình minh, ế phong, phong trì. Người bệnh cần giữ vệ sinh cá nhân, tránh dụi mắt và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của lương y.
- Thể nặng: Ngoài các triệu chứng của thể nhẹ, mắt có thể sưng to, đau nhức, nước mắt và nước mũi chảy nhiều, sốt cao về đêm. Điều trị bằng các bài thuốc thanh nhiệt, tả hỏa, tiêu độc như “Bát Chính Tán gia giảm”. Kết hợp châm cứu tại các huyệt hợp cốc, khúc trì, toản trúc, tỳ du, vị du, phong long, phế du để tăng hiệu quả.
Tăng cường ý thức phòng bệnh
Theo chỉ đạo của Hội Đông y tỉnh, các thầy thuốc cần sử dụng phương pháp điều trị linh hoạt, phù hợp với thể trạng và độ tuổi của bệnh nhân để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người cần chủ động trong việc phòng bệnh, thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên, đặc biệt là rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.
- Sử dụng nước sạch và bảo đảm an toàn vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày.
- Tránh dụi mắt khi có dấu hiệu ngứa, khó chịu để phòng ngừa lây nhiễm.
- Khi có triệu chứng đau mắt đỏ, cần cách ly để tránh lây cho người khác và điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Việc chủ động phòng ngừa và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của Đông y không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong những mùa dễ bùng phát bệnh như mùa xuân.
Liên hệ Phòng khám Y học Cổ truyền Sao Phương Đông
Nếu bạn đang gặp các vấn đề về sức khỏe hay cần được tư vấn về dinh dưỡng.hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và điều trị chuyên sâu:
- Hotline: 024.7106.1199
- Địa chỉ: Số 5 Triệu Việt Vương, P. Nguyễn Du, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Website: saophuongdong.top
BS CK I Trần Văn Chức
Giám đốc chuyên môn phòng khám Y học cổ truyền Sao phương đông